Thất bại của MU trước West Brom đã mang về danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh cho Man City dưới thời Pep Guardiola sớm đến 5 trận đấu. Thế nhưng, liệu “The Citizens” mùa này có phải là đội bóng xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá xứ sở sương mù?
Tân vương Man City có phải đỉnh nhất lịch sử Premier League?
Chỉ trong vòng 1 tuần, Man City khiến các fan của họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vô cùng đáng nhớ. Đội chủ sân Etihad thua 2 trận trước Liverpool ở tứ kết Champions League và xen giữa đó là thất bại 2-3 trước MU tại trận derby Manchester ngay ở Etihad tại vòng 33 giải Ngoại hạng Anh (Premier League).
Man City đã sớm đăng quang chức vô địch Premier League mùa này
Thế nhưng, tất cả nỗi buồn đó đã chìm vào dĩ vãng khi cuối tuần qua, Man City đã thắng 3-1 trên sân Wembley của Tottenham và cùng với việc MU thua sốc 0-1 ngay ở Old Trafford trước West Brom, thầy trò Pep Guardiola đã chính thức vô địch giải Ngoại hạng mùa 2017/18 sớm 5 vòng (tính cả trận đá bù).
Nhưng “The Citizens” mùa này dưới thời Pep Guardiola có phải là đội bóng xuất sắc nhất giải Ngoại hạng Anh? Có lẽ chưa phải, vì trước họ, MU, Arsenal hay Chelsea còn có những kỳ tích xuất sắc mà đội chủ sân Etihad chưa thể đạt được mùa này. Nhận xét về điều này, Dave Kidd - cây bút xuất sắc của tờ The Sun nói: "Manchester City là nhà vô địch rực rỡ nhưng vẫn không vĩ đại bằng Manchester United hay Arsenal."
Với MU, dưới triều đại hoàng kim của Sir Alex Ferguson trước đây, “Quỷ đỏ” vẫn đang giữ kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi vô địch Premier League nhiều lần nhất với 13 danh hiệu từ khi giải đấu này ra đời vào năm 1992.
Vào mùa giải 1998/99, MU còn đoạt cú ăn ba vĩ đại khi đăng quang chức vô địch ở cả giải Ngoại hạng, cúp FA và Champions League, điều chưa một đội bóng Anh nào làm được ngoài họ từ trước đến nay.
MU từng đoạt cú ăn ba danh hiệu vĩ đại mùa giải 1998/99
Còn Man City, dù đã giành cú đúp mùa này khi vô địch cúp Liên đoàn và giải Ngoại hạng, nhưng ở Champions League và cúp FA, họ đã thất bại thảm hại trước những đối thủ từ loại “xương xẩu” như Liverpool đến “gã tí hon” như Wigan.
Man xanh cũng chưa nên tự hào bởi lẽ Arsenal mùa giải 2003/04 còn từng vô địch Premier League khi bất bại cả mùa đó (thắng 26 trận, hòa 12 trận). Chuỗi “độc cô cầu bại” của “Pháo thủ” ở đấu trường số 1 nước Anh chỉ chấm dứt ở con số 49 vào ngày 24/10/2004 khi họ thất thủ 0-2 khi làm khách trên sân Old Trafford của MU.
Trong khi ấy, tân vương Man City mùa này, sau 33 trận đã đấu ở giải Ngoại hạng đã thắng 28, hòa 3 và thua 2 trận (trước Liverpool sân khách và MU sân nhà).
Tuy nhiên phía trước Man City còn 2 kỷ lục để họ chinh phục, đó là vô địch với điểm số cao nhất (87/95 điểm) và thắng nhiều nhất trong một mùa giải (28/30 trận) của Chelsea. Trong tay thầy trò Pep Guardiola vẫn còn 5 trận chưa đấu trong tay và họ vẫn có nhiều cơ hội qua mặt Chelsea để lập 2 kỷ lục mới này.
Những vết gợn của Pep và “bài học xương máu” từ Chelsea
Không phủ nhận, Pep Guardiola là một chiến lược gia đại tài khi mùa giải này, ông biến Man City thành một đội bóng quá vượt trội so với phần còn lại của Premier League với những chiến thắng và cách biệt điểm số đầy thuyết phục.
Pep Guardiola đã khiến Man City "lột xác" trong mùa giải thứ 2 ông nắm quyền ở Etihad
Nhưng kể từ khi nắm quyền ở sân Etihad hè 2016 đến nay, chiến lược gia người Tây Ban Nha này đã tiêu tốn của “The Citizens” số tiền chuyển nhượng lên tới 450 triệu bảng nhưng tham vọng ăn ba, hay ít nhất là đoạt chức vô địch Champions League vẫn chỉ là “mơ hão”.
Những thất bại trước Liverpool và MU cuối mùa này đã chỉ ra rằng Man City vẫn có những khoảnh khắc thiếu tập trung và hoàn toàn có thể thất bại bất cứ lúc nào. Riêng Pep Guardiola, ông nên nhìn gương chính “đại kình địch” Jose Mourinho hay ngay cả Antonio Conte hiện tại khi dẫn dắt Chelsea vô địch nhưng đã phải nhận trái đắng ngay mùa sau, thậm chí có thể bị “bay ghế”.
Giành được ngai vàng đã khó, ngự trị lâu dài ở vị trí tối thượng đó lại càng nan giải hơn và Man City cùng Pep chớ nên tự mãn quá sớm.